Điều trị loãng xương
Với người cao tuổi, việc điều trị có sự khác biệt ở các lứa tuổi khác nhau và tình trạng loãng xương có gãy xương, không gãy xương và các bệnh kèm theo. Một số thuốc dùng để điều trị loãng xương như: Bisphosphonate: Các bisphosphonate được chia làm hai nhóm, các bisphosphonate không có amin và bisphosphonate có amin (pamidronate). Bisphosphonate được tìm ra từ thế kỷ 19 nhưng đến năm 1960 được sử dụng trong các bệnh xương chuyển hóa, sau này sử dụng trong điều trị tăng canxi máu và các bệnh xương ác tính. Năm 1990 mới chứng minh được cơ chế tác dụng. Bisphosphonate dạng uống sử dụng để phòng gãy xương loãng xương gồm alendronate (fosamax), risedonate (actonel), didronel,... và bisphosphonates dạng tiêm truyền tĩnh mạch (aredia, zometa, aclasta). Trong điều trị loãng xương có gãy xương, các hiệp hội loãng xương khuyến cáo nên sử dụng aclasta truyền tĩnh mạch mỗi năm một lần và liên tục 3 năm. Aredia sử dụng trong các trường hợp tăng canxi máu. Còn zometa chỉ định trong điều trị hủy xương do ung thư.
Loãng xương là bệnh gia tăng khi tuổi cao và cần dùng thuốc điều trị phù hợp.
Vitamin D dùng 800 - 1.000 IU/ngày với những người từ 50 tuổi trở lên.
Cẩm nang bạn nên biết:
Điều trị loãng xương theo lứa tuổi 60-80 và ngoài 80 tuổi. Người cao tuổi, ít hoạt động ngoài trời, cần chú ý tình trạng thiếu vitamin D. Nhiều người già không những giảm khối lượng xương mà còn giảm khối cơ vì vậy nguy cơ ngã cao.
Để cho hệ vận động được tốt, người cao tuổi nên tham gia các hoạt động thể lực thường xuyên rất cần thiết, đi cầu thang bộ. Ngoài chế độ dinh dưỡng và tận hưởng ánh nắng mặt trời trước 9 giờ sáng và cũng cần kiểm tra lượng vitamin D của bản thân có đủ hằng số sinh lý. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ canxi, protein, bổ sung đủ nước. Thầy thuốc chọn lựa thuốc điều trị loãng xương tùy thuộc các đặc điểm riêng của từng người bệnh. Thầy thuốc và người bệnh nên có sự liên hệ để theo dõi đáp ứng của thuốc và tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra. Ở người ngoài 80 tuổi, việc luyện tập cần chú ý đề phòng té ngã vì nguy cơ gãy xương rất cao ở người cao tuổi. Lưu ý, không sử dụng loại raloxifen vì không phòng được gãy cổ xương đùi và thuốc này làm tăng nguy cơ huyết khối. Điều trị loãng xương cho người già ngoài 80 tuổi không những sử dụng các thuốc làm giảm nguy cơ gãy xương cột sống, gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, mà cần chú ý dự phòng nguy cơ té ngã. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 40% người trên 65 tuổi giảm thính giác, vì vậy việc hướng dẫn uống thuốc, tập luyện cho người già phải rõ ràng và cụ thể.
Điều trị thoái hóa khớp
Một số thuốc thường dùng trong điều trị thoái hóa khớp: Thuốc giảm đau (paracetamol), thuốc chống viêm không steroid chỉ sử dụng một trong số các thuốc: celecoxib, etoricoxib, meloxicam, diclofenac. Thuốc chống viêm giảm đau chỉ sử dụng trong đợt tiến triển của bệnh và chú ý các tác dụng không mong muốn trên dạ dày, ruột, thận, tim mạch... Thuốc điều trị cơ bản giúp ức chế hủy sụn khớp như glucosamin sulfat, piascledin, có tác dụng tăng cường tái tạo sụn, ức chế các men phá hủy sụn, giảm dần quá trình viêm đau khớp, làm chậm quá trình bệnh thoái hóa khớp. Điều trị thoái hóa khớp với phương pháp không dùng thuốc như giảm cân, tắm bùn khoáng, vật lý trị liệu có thể tăng khả năng vận động của khớp. Để điều trị thoái hóa khớp ở người cao tuổi cần dựa trên từng trường hợp cụ thể. Với người quá béo nên sử dụng phương pháp không dùng thuốc, giảm cân, chườm lạnh vào khớp gối trong đợt tiến triển của thoái hóa khớp. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc chống viêm giảm đau phải chú ý đến chức năng thận, các thuốc giảm đau dùng ngắn ngày trong các đợt tiến triển. Người cao tuổi thường mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường do vậy hạn chế sử dụng thuốc chống viêm không steroid. Hiện nay, trên thị trường đã có sản phẩm có tác dụng thay đổi cấu trúc của sụn khớp, ngăn ngừa thoái hóa sụn khớp, xương dưới sụn, ít tác dụng phụ và sử dụng được cho người mắc các bệnh tim mạch. Thoái hóa khớp do các tế bào sụn khớp bị thoái hóa và mất cân bằng chuyển hóa dẫn đến mất khả năng tổng hợp proteoglycan cấu tạo nên sụn khớp làm cho sụn khớp dần dần bị phá hủy. Giai đoạn đầu của thoái hóa khớp, nên dùng các sản phẩm có tác dụng kích thích tế bào sụn tăng sinh tổng hợp proteoglycan, cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp và làm sụn khớp trơn láng, kích thích cơ thể sản xuất các sợi collagen, bảo vệ sự đàn hồi của khớp giúp tái tạo sụn khớp, ức chế một số enzym phá hủy sụn khớp và các enzym kích hoạt phản ứng viêm. Có thể sử dụng sụn cá mập cho người cao tuổi để kích thích tế bào sụn sản xuất proteoglycan..
Lời khuyên cho người bệnh Việc sử dụng thuốc cho người cao tuổi cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc để tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, lưu ý tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Ngoài ra, để điều trị bệnh thoái hóa khớp cho người cao tuổi còn có các phương pháp siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao. Giai đoạn thoái hóa cuối cùng của khớp gối, người bệnh sử dụng các phương tiện xe lăn, vấn đề phẫu thuật thay khớp nhân tạo được áp dụng. Bên cạnh thoái hóa khớp, ở người cao tuổi thường hay loãng xương đi kèm vì vậy tránh kéo giãn cột sống. Đi bộ hoặc đạp xe tại chỗ là các biện pháp tập luyện tốt.
Theo sức khoẻ đời sống.